Kết thúc buổi đấu giá hôm đó, trong số 32 chú chó được "chào hàng", chỉ có khoảng hơn 10 chú được về với chủ mới. Tuy nhiên, số tiền mà BTC đã thu lại cũng chẳng hề nhỏ. Với giá khởi điểm khoảng 42 triệu, thế nên cũng không có gì lạ khi số tiền cao nhất được trả cho chú chó có tên Hồng Hải cũng xấp xỉ 100 triệu đồng.
Buổi đấu giá chó đua |
Thực ra, việc chơi chó của các đại gia không phải là chuyện gì quá xa lạ. Số tiền mà nhiều người bỏ vào để có được một thú cưng đẳng cấp thậm chí còn cao hơn nhiều con số trên. Tuy nhiên, với Greyhound, người ta không thể mua về để làm cảnh như bao giống chó khác. Cái tên "chó đua" đã nói lên tất cả.
Được biết, vào dịp Tết Nguyên đán 2012 sắp tới, lần đầu tiên một cuộc đua chó quy mô lớn sẽ được tổ chức tại Vũng Tàu. Và giả sử chú chó Hồng Hải đã nói ở trên chiến thắng, nó sẽ mang về cho ông chủ của mình một khoản tiền kha khá lên tới... 210 triệu đồng. Chưa kể sau đó, nó sẽ tiếp tục được tham gia nhiều cuộc đua lớn nhỏ, và nếu duy trì được phong độ của mình ổn định thì vị đai gia kia cũng chẳng có gì phải tiếc số tiền mình đã bỏ ra.
Tất nhiên, thắng thua trên đường đua là chuyện không thể nói trước và các tay đua cũng chỉ là những chú chó tính khí thất thường. Thế nhưng, nói ra như vậy để thấy, với riêng những người chơi Greyhound, ngoài cảm giác sung sướng và tự hào khi chú chó của mình về nhất trong các cuộc đua thì đây còn có thể là một thương vụ đầu tư sinh lời.
Chó... chân dài
Nói Greyhound là những chú chó chân dài có lẽ chẳng sai. Bởi để có thể đạt được tốc độ trung bình xấp xỉ 60 km/h, ngoài việc sở hữu một thân hình thon gọn, săn chắc thì chúng còn phải có một sải chân dài và mạnh mẽ. Và với một giống chó "đặc thù" như vậy thì việc nuôi nấng, chăm sóc và huấn luyện chúng đương nhiên là chẳng hề đơn giản.
Ở 9, 10 tháng tuổi, những chú chó con được đưa vào luyện tập. Sân tập của chúng có nhiều loại với các cự ly dài, ngắn và hình dạng khác nhau tùy theo từng mục đích huấn luyện. Sau 13 tháng tuổi, những con nào đủ thể lực và khả năng sẽ được bắt đầu "sự nghiệp" tốc độ của mình.
Chó Greyhound luyện tập với con mồi giả |
Khẩu phần ăn của các "tay đua" bốn chân này cũng khá đặc biệt. Tại trại chó đua ở Bà Rịa, người ta cho chúng ăn một bữa phụ vào lúc 9h30 sáng và một bữa chính vào lúc 16h15. Một suất ăn gồm thịt Kangaroo, chuối và thực phẩm khô được chế biến theo những tỉ lệ nhất định, tùy thuộc vào đối tượng là chó đua, chó con hay... "thai phụ".
Ngoài việc ăn uống và luyện tập, chúng còn thường xuyên được kiểm tra y tế để có thể đảm bảo thể lực sung mãn. Sau mỗi cuộc đua, các "cua rơ" lại được chăm sóc, mát xa và nghỉ ngơi ở tuần đua kế tiếp nhằm phục hồi trọn vẹn sức khỏe.
Bên cạnh đó, để những chú chó Greyhound có thể duy trì được sức đua dẻo dai, tuổi "nghề" dài cùng một phong độ ổn định thì còn phải đảm bảo một loạt những yêu cầu lớn bé không tên khác.
Chính vì thế mà sau phiên đấu giá hôm đó, các chú chó "chân dài" lại được đưa trở về trại nuôi. Và chủ tớ chỉ có thể tái ngộ nhau vài ba lần một tuần, ở trại hoặc tại trường đua.
Cup Tết 2012 là giải đua chó đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam & Đông Nam Á với sự tham gia của những chủ chó là cá nhân hoặc doanh nghiệp (sau khi đã sở hữu chó đua từ phiên đấu giá). 32 chú chó sẽ thi đấu 4 trận vòng loại vào ngày mùng 4 Tết (26/1). 8 đấu thủ đoạt hạng nhất và nhì sau 4 trận vòng loại sẽ gặp nhau trong trận chung kết vào ngày mùng 6 Tết (28/1). |
Bài và ảnh: Linh Phạm (Theo VietNamNet)